Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng quý khách đến với Bảo tàng Điện Bàn
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search


Chi tiết tin

Kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân (1916-2016) - Cuộc nổi dậy tại Tỉnh thành La Qua

Cuộc khởi nghĩa Thái Phiên – Trần Cao Vân là một sự kiện “long trởi lở đất”, bởi hai ông đã vận động được vua Duy Tân đứng ra làm lãnh tụ cuộc khởi nghĩa. Từ việc tổ chức thực hiện đề tài khoa học “Khởi nghĩa Thái Phiên – Trần Cao Vân qua những tài liệu mới”, chúng tôi đã sưu tầm được hàng ngàn tư liệu là báo cáo mật thám Pháp về cuộc khởi nghĩa này.

Tài liệu hiện được lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp, thành phố Provence, tập trung tại 3 hồ sơ: “Những biến loạn ở Trung Kỳ, tháng 5 năm 1916”, “Triều đình Annam: Cuộc mưu loạn ở Huế” và “Rapport sur la situation politique de l`Annam” của Le Marchant de Trigon". Phần tài liệu liên quan đến cuộc khởi nghĩa tại tỉnh thành La Qua nằm trong khối tư liệu đồ sộ này.
   1. Chuẩn bị lực lượng và vũ khí

Việc mộ quân cho cuộc khởi nghĩa ở Quảng Nam, theo cụ Phan Thành Tài “Việc mộ binh phải đạt cho được từ 500 đến 600 người. Chi phí cho việc tuyển mộ do Trần Cao Vân và Thái Phiên chi trả với yêu cầu là phải có chữ ký của người nhận tiền… Những người cốt cán tại phủ Tam Kỳ có các ông: Phó Bẽm, người làng Tân Tây, Xã Duân, người làng Phú Quý – Ngọc Giáp, Nguyễn Thuyên người làng Tân An Tây, Lê Thùy tự Lê Tùng, người làng Thạnh Mỹ Trung. Tại huyện Đại Lộc có Đội Đóa, người  làng Quảng Huế Trung. Tại phủ Điện Bàn có Nguyễn Trình, người làng Bảo An Tây và Phan Khôi, người làng Phong Thử. Tại huyện Duy Xuyên: Nguyễn Nhẫn làng Phúc An, Nguyễn Uýnh làng Mỹ Lộc. Tại huyện Quế Sơn: Thầy Lãm, người  làng Trung Lộc. Tại phủ Thăng Bình có Huỳnh Phùng, người làng Tiên Đóa… Thái Phiên trực tiếp giao tiền cho Huỳnh Phùng ở Thăng Bình và Phan Khôi ở Điện Bàn… Tiền còn lại ở tôi là 185 đồng, dùng để dệt 130 cây vải xanh (chỉ dọc màu trắng, chỉ ngang màu xanh) để phân phối cho những người đứng ra mộ lính, may đồng phục. Còn giáo, mác, mã tấu do người phụ trách lính lo liệu. Việc sắm cờ, đúc ấn, đúc con dấu do Thông Phiên chịu trách nhiệm”. Càng gần đến ngày khởi nghĩa, công việc tuyển mộ dân binh thêm khẩn trương, theo Công sứ Lesterlin thì “Tại Tam Kỳ, họ đã tuyển mộ được 200 đến 250 người”. Bản báo cáo của Trigon, Khâm sứ Trung kỳ ngày 10-7-1916 nhắc lại rằng: “Tổ chức phản loạn đã tiến hành may đồng phục, may cờ, rèn đúc vũ khí như giáo, mã tấu, và sản xuất cả bom…Việc khám phá ra một số giáo, mã tấu, gươm, thang và bom đã làm sáng tỏ những dự định của những người khởi nghĩa. Những quả bom…là loại bom tự chế gồm có khối thuốc nổ đen, có những mảnh sắt vụn được đóng vào những giỏ đan bằng tre. Cũng đã phát hiện ra những bó rựa được đưa tới các hào quanh thành Hội An…”

2. Khởi sự tại tỉnh thành La Qua

Về diễn biến của cuộc khởi nghĩa tại tỉnh thành La Qua ở Vĩnh Điện, trong tập Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng (1930 - 1975) có đoạn: "Ở Quảng Nam, dân binh đã sẵn sàng đợi lệnh đánh chiếm thành La Qua, nhưng lính ở Hội An bị thu súng nên dân binh phải giải tán"[1]. Như vậy, các thông tin mà chúng ta có được cho đến nay đều xác quyết rằng; chỉ cần Hội An nổi dậy thì tại tỉnh thành La Qua, quân khởi nghĩa sẽ quyết định tấn công. Tuy nhiên, do Hội An không khởi nghĩa được nên lực lượng khởi nghĩa mặc dù đã được ém quanh thành tỉnh song đành phải giải tán. Như chúng ta đều biết, Phan Thành Tài là người chịu trách nhiệm phụ trách chỉ huy khởi nghĩa ở Đà Nẵng và Tỉnh thành La Qua tại Điện Bàn. Thêm vào đó, phụ trách các đội quân đánh chiếm thành tỉnh La Qua có các ông: Phan Khôi - người làng Phong Thử huyện Điện Bàn; ông Hồ Tấn - người làng Hà Mật; ông Xã Trì - người làng Hương Quế, huyện Quế Sơn. Đó là chưa kể cùng với việc phân công khởi nghĩa, các cơ sở cũng đã được chỉ định các chức vụ sau khi đại sự thành công như: Tri phủ là: Võ Kiền, Trần Tu tức Huy, làng Đại An phủ Điện Bàn. Bang biện có: Dương Ngọc Địch, làng Phước Kiều, phủ Điện Bàn. Trọng Hưa, làng Châu Lâu, phủ Điện Bàn. Nguyễn Quang, làng Miếu Bông, phủ Điện Bàn. Khóa Luyện làng Tích Bi tỉnh Thừa Thiên, nhà ở phía Cửa Hậu thành tỉnh (Quảng Nam). Đáng chú ý, tham gia khởi nghĩa tại thành tỉnh còn sự chỉ huy của Trần Chương (là cháu của Trần Cao Vân).


Về diễn biến cuộc nổi dậy tại tỉnh thành La Qua, cụ Phan Thành Tài sau này thuật lại: "Tôi đi qua Phong Thử để tìm toán quân của Nguyễn Uýnh, nhưng không thấy nên tôi lại lên xe kéo trở về Vĩnh Điện. Tại đây tôi gặp chiếc ghe của Huỳnh Côn người làng Phương Xá phủ Tam Kỳ. Tôi lên ghe thấy khoảng 30 người lính mộ, tôi bảo họ lên bộ đi Đà Nẵng, còn tôi ở lại thành tỉnh đợi các toán quân sau khi tấn công vào tòa sứ và thành tỉnh sẽ đưa tất cả cùng ra Đà Nẵng để cùng hành động. Toán quân của Huỳnh Côn ra Đà Nẵng vừa đến chợ Thi An thì gặp một xe đang đứng chặn lại cùng với một số lính Pháp. Vì bị chặn đường nên toán này phải quay về thành tỉnh. Tôi báo cho Huỳnh Côn, xã Trị, Phan Khôi và Hồ Tân đem số người có vũ trang này bố trí ở chỗ cửa Tiền, nhưng xã Trị và Phan Khôi để số người này ở phía cửa Tả gần rừng cấm của làng La Qua. Đến 18 giờ, Phan Khôi nói với tôi là đã đưa Trần Chương vào trong thành tỉnh để báo tín hiệu. Khi tiếng súng trong thành phát ra mọi người leo thang đã đặt sẵn ở cửa Tiền để vào thành”[2]. Hành động đáng ghi nhận nhất tại tỉnh thành La Qua là dù không nhận được lệnh khởi nghĩa, song nghĩa quân do Trần Chương chỉ huy đã đột nhập vào bên trong tỉnh thành La Qua, đốt cháy một số nhà tranh bỏ trống, để làm tín hiệu nhưng do nghĩa quân chỉ trang bị bằng gậy gộc nên bị lính tập giải giáp.
Ngôi mộ chung Thái Phiên và Trần Cao Vân

    Ngay sau cuộc nổi dậy, khắp Quảng Nam nói chung và Tam Kỳ nói riêng, thực dân Pháp đàn áp rất khốc liệt. Viên công sứ Lesterlin ở Quảng Nam cho biết: “Hơn 120 cuộc truy bắt đã được tiến hành liên tục từ ngày 4 đến ngày 25 tháng 5 trong phủ Tam Kỳ. Chúng tôi không còn chỗ để giam giữ và không có đủ người để trông coi họ...”.Cuộc khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân đặt trong tổng thể của cả cuộc nổi dậy khắp Trung Kỳ năm 1916, dưới "ngọn cờ" vua Duy Tân đã thể hiện rõ những nét kiêu hùng, tinh thần quật khởi của người dân xứ Quảng. Tất cả các tài liệu có được, dù đã được phản ánh qua nhãn quan của bọn mật thám Pháp song đều toát lên được tinh thần yêu nước, ý chí chống ngoại xâm, tính "nghĩa khí cương cường, hành động sáng tỏ"… của các sĩ phu và nhân dân đất Quảng cũng như vị trí trọng điểm của tỉnh thành La Qua trong cuộc khởi nghĩa này./.


[1] Tỉnh ủy Quảng Nam-Thành Ủy Đà Nẵng: Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng (1930 - 1975), 2005, tr. 47.

 [2] Tài liệu số 42, Hồ sơ 65530, Phông Toàn quyền Đông Dương, ANOM.


Tác giả: Lưu Anh Rô

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Bản quyền © 2015 thuộc UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam
Cơ quan quản lý: Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Điện Bàn
Địa chỉ: Khối 3, phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam - ĐT: 0235.3867371 – Mail: banbientap.dienban@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)