Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng quý khách đến với Bảo tàng Điện Bàn
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search


Chi tiết tin

Quản cơ Hà Tân và phong trào Nghĩa hội Quảng Nam

Sỹ phu Hà Tân, tên đầy đủ là Hà Đức Tân, sinh ngày 15 tháng 2 năm Canh Thân 1860 (Tự Đức thứ 14), trong một gia đình nho học. Ông tham gia nghĩa hội Quảng Nam, lập nhiều chiến công hiển hách được phong chức Quản cơ. Dân làng ngưỡng mộ lập lăng thờ cúng để tỏ lòng tri ân:

Vạn cổ huân ba danh tại sử

Thiên thu dân quốc kỉnh lưu nhơn

Năm Ất Dậu 1885, hưởng ứng hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu cùng tiến sĩ Trần Văn Dư, cử nhân Phan Bá Phiến thành lập Nghĩa hội Quảng Nam chống Pháp, nhiều trai tráng, sĩ phu giác ngộ thời cuộc, căm thù giặc, hăng hái tham gia Nghĩa hội, đánh đuổi giặc cướp nước. Bấy giờ, ở xã Châu Phong (thôn Phong Ngũ Đông, xã Điện Thắng Nam, Thị xã Điện Bàn ngày nay), sĩ phu Hà Tân với bầu nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, tạm biệt mái ấm gia đình gia nhập nghĩa binh.

Thuở nhỏ ông rất sáng dạ, thông minh. Thời cuộc rối ren, ông không màng khoa cử, mà ra sức luyện tập võ nghệ cung kiếm chờ thời cơ giúp nước. Là sĩ phu am tường đạo học nho giáo, nhận thức được lòng ái quốc thương dân, ông không thể làm ngơ nhìn cảnh nước mất nhà tan, dù sống trong cảnh gia đình êm ấm nhưng ông quyết một lòng tham gia Nghĩa hội xông pha trận mạc. Dưới sự lãnh đạo kiệt xuất của chủ tướng Nguyễn Duy Hiệu, ông góp phần với nghĩa binh lập nhiều chiến công rực, gây cho giặc Pháp và bọn tay sai Nam triều nhiều phen tổn thất nặng nề.

Một ngày vào tháng 5 năm 1886, chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, ông trở về quê nhà thi hành nhiệm vụ tiêu diệt giặc Pháp kéo đường dây thép[1] trên đường thiên lý (quốc lộ 1A ngày nay) thuộc khu vực Gò Phật, thôn Viêm Minh Tây (nay là thôn Viêm Tây 1 xã Điện Thắng Bắc). Qua nhiều ngày theo dõi, bám sát hiện trường, với vũ khí thô sơ là một chiếc dùi đục làm bằng tre đặc với lưỡi đục làm bằng sắt. Lợi dụng sơ hở của địch, ông xông vào tấn công trực diện với hai tên lính Pháp. Bị động, bất ngờ hai tên giặc Pháp không thể nào chống đỡ những miếng võ dân tộc bí truyền của ông. Chúng hoảng hốt bỏ chạy, Hà Tân và các nghĩa binh cùng đi truy đuổi buộc hai tên giặc phải cúi đầu đưa hai tay xin hàng, bị trói chuyển về Tân tỉnh Trung Lộc (căn cứ của Nghĩa hội). Qua chiến công dùng tay không bắt sống giặc nầy, chủ soái nghĩa binh tuyên dương và phong cho ông giữ chức Quản cơ (một viên quan võ chỉ huy một toán quân của Nghĩa hội) có nhiệm vụ tổ chức đánh phá hệ thống thông tin liên lạc của địch trên các đường giao thông.

Nhận nhiệm vụ mới, ông tuyển mộ trai tráng trong làng và các vùng lân cận vào nghĩa binh. Ông chọn mảnh đất trống cuối làng trên cánh đồng Thùy Dục làm nơi tập luyện; đồng thời phân công rèn giũa vũ khí tự tạo như gậy gộc, giáo mác. Ông tổ chức nhiều trận đánh xuất quỷ nhập thần gây cho giặc Pháp và binh lính triều đình nhiều phen thất điên bát đảo, cụ thể như trận chặn đánh toán lính của triều đình với sự hỗ trợ của quân Pháp tiến từ La Qua lên Phong Thử do Khâm sai Phan Liêm cầm đầu. Tên tuổi của ông được lan truyền rộng rãi trong nhân dân các làng trong cả tổng, huyện lúc bấy giờ. Bọn giặc nghe đến tên Quản Tân là khiếp sợ, cho nên chúng quyết tâm trừ khử và treo giải thưởng cho ai chỉ điểm để bắt được ông.

 Trong một lần thi hành công vụ tại khu vực thôn Thanh Quýt (xã Điện Thắng Trung ngày nay), ông bị bọn tay sai phát hiện và báo cho quan thầy Pháp, chúng tổ chức bủa vây mai phục. Khi bị giặc phát hiện, bằng ngón võ nhà nghề, ông phi thân qua hàng rào để chạy thoát. Do búi tóc bị sổ ra vướng vào gai tre, chúng ập tới bắt ông. Mặc dù sa vào tay giặc nhưng Quản cơ Hà Tân vẫn ngẩng cao đầu, dùng những lời đanh thép chửi thẳng vào mặt quân thù trước sự chứng kiến và cảm phục của dân làng. Sau đó chúng giam ông vào nhà ngục Quảng Nam ở La Qua. Tại đây, giặc đã dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ nhưng ông không hề nao núng, nêu cao khí tiết của của một nghĩa binh, một lòng trung thành với chủ soái, thà hy sinh mạng sống chứ nhất quyết không khai báo để bảo vệ cơ sở và phong trào nghĩa binh. Do vậy bọn cai ngục thẳng tay tra tấn ông dã man với nhiều kiểu hình phạt khủng khiếp của thời trung cổ.

            Thấy không thể nào khuất phục và lay chuyển được ý chí sắt đá của ông, ngày mồng 5 tháng 9 năm Bính Tuất 1886, giặc đưa ông đến Bến Thuế - Vĩnh Điện để hành hình. Trước giờ xử trảm, Quản cơ Hà Tân vẫn ung dung bình thản không một chút sợ hãi, dùng lời lẽ đanh thép vạch trần tội ác của kẻ thù. Giặc chém cổ ông, đầu rơi, máu chảy nhuộm đỏ cả một vùng nơi hành hình. Dã tâm hơn, giặc không chôn cất thi thể ông mà vứt xác, bêu đầu tại Bến Thuế. Cảm kích trước tinh thần yêu nước, vì nghĩa quên mình của ông, thân nhân cùng dân làng Ngũ Giáp âm thầm đứng ra nghinh chiếc đầu đưa lên bè tre xuôi dòng Vĩnh Điện đưa về quê nhà, chọn vùng đất rộng trên cánh đồng ở cuối làng làm nơi chôn cất ông. Qua nhiều năm, do thiên tai lũ lụt, nấm mộ của ông bị bồi thành một bãi đất, nay không xác định được vị trí mộ.

            Năm 1890 bà con tộc Hà và dân làng đã lập lăng để thờ trên nền đất mộ cũ và trùng tu tôn tạo qua nhiều lần, hằng năm đến ngày mất của ông, ngày lễ, ngày tết, dân làng đều tổ chức viếng thăm, hương khói và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ sau.

Văn bia Lăng ông Quản cơ Hà Tân 

     Sự kiện lịch sử trên được nhân dân lưu truyền và ghi chép vào gia phả của dòng tộc, được ghi chép vào lịch sử làng và lịch sử của Đảng bộ xã Điện Thắng do Trường Đại học Khoa học Huế biên soạn và dự thảo Lịch sử Đảng bộ xã Điện Thắng hiện nay.

            Cảm kích trước tấm gương của bậc tiền bối, nhân kỷ niệm 90 năm ngày mất của ông (5/9/1886-5/9/1976), người cháu họ 3 đời là ông, Hà Năng đã viết bài Phụng kính lục: “Vọng Kính nghĩa sĩ”Hiện bài được lưu giữ trong gia phả của tộc Hà Đức làng Phong Ngũ.

Có rất nhiều giai thoại kể về ông trong đó tập trung vẫn là người có sức mạnh và giỏi võ nghệ. Ngày xưa có tục lệ cúng thần nông các làng lân cận thường tổ chức các môn thể thao dân gian như kéo co, đẩy gậy. Ông luôn được cự làm thủ lĩnh thanh niên của làng để thi đấu và thường là không có đối thủ, hễ đến đâu nghe tiếng ông Tân thì mọi người đều cúi đầu thán phục.

Có lần nhà hàng xóm bị cháy ông hai tay xách hai thùng nước phi thân qua bờ rào tạt nước và dùng cây một mình dập tắt đám cháy, nhân dân đồn rằng xóm dưới có ông Tân phi thân từ nóc nhà này sang nóc nhà khác là vậy.

Quản cơ Hà Đức Tân là một tấm gương tiêu biểu của làng Phong Ngũ trong phong trào Nghĩa hội Quảng Nam. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, chính quyền địa phương đang lập hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam công nhận “Lăng Ông Quản cơ Hà Đức Tân” là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh.



[1] Dây điện thoại
(*) Theo lời kể của Ông Hà Cừ và bút tích lưu giữ của Gia đình

Tác giả: Hà Sáu

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Bản quyền © 2015 thuộc UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam
Cơ quan quản lý: Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Điện Bàn
Địa chỉ: Khối 3, phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam - ĐT: 0235.3867371 – Mail: banbientap.dienban@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)