Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng quý khách đến với Bảo tàng Điện Bàn
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search


Chi tiết tin

Lễ giỗ tổ làng đúc đồng Phước Kiều – Di sản văn hóa phi vật thể cần được gìn giữ và phát huy.

Trong tiết trời đầu xuân ấm áp, chúng tôi về dự lễ giỗ tổ làng đúc đồng Phước Kiều tại thôn Thanh Chiêm 1, xã Điện Phương. Đây là lễ giỗ tổ Không Lộ Giác Hải thiền sư được tổ chức vào ngày 12 tháng giêng Âm lịch hằng năm, một nghi lễ cung kính của người dân làng đúc đồng Phước Kiều hàng trăm năm nay. Lễ giỗ tổ diễn ra ngay trong khuôn viên của Nhà thở tổ làng đúc Phước Kiều nơi thờ tự Không Lộ Giác Hải thiền sư, tổ tiên của làng đúc Phước Kiều.

Làng đúc đồng Phước Kiều là làng nghề truyền thống lâu đời nhất của tỉnh Quảng Nam trải qua hơn 400 năm vào thế kỷ thứ 17, dưới thời các chúa Nguyễn tại Dinh Trấn Thanh Chiêm. Sản phẩm của làng nghề vào giai đoạn sơ khai cho đến nay chủ yếu phục vụ cho triều đình nhà Nguyễn, cho các sinh hoạt lễ nghi, thờ cúng và phong tục tập quán, như lư hương, đèn thờ, chuông, chiêng, nồi niêu, đỉnh, vạc, súng và cả ấn tín… Những thế hệ nghệ nhân của làng nghề đúc đồng không những giữ được nghề mà còn đưa các sản phẩm vươn ra thế giới.
Từ đầu làng, cờ xí với nhiều màu sắc đã được treo khắp nơi dẫn lối vào nhà thờ tổ làng đúc đồng Phước Kiều. Khuôn viên nhà thờ được phủ lên màu sắc của hoa xuân, của lễ vật và đặc biệt là niềm phấn khởi của các nghệ nhân và người dân làng đúc đồng. Âm nhạc truyền thống của xứ Quảng được vang lên hòa theo tiếng trống, tiếng chuông tạo ra một không khí vừa trang nghiêm, vừa gần gũi hòa cùng sinh khí của mùa xuân ấm áp.
Trong gian chính của nhà thờ tổ, các bậc cao niên cùng các nghệ nhân đang bày biện hương đèn, áo giấy, mâm lễ vật… lên các bàn thờ. Ban trị sự với áo mũ chỉnh tề, màu sắc khác nhau đại diện cho các phân việc khác nhau của ban tế lễ. Phía trước sân nhà thờ, người dân ra vào tấp nập để dự lễ và dâng lễ. Theo các vị cao niên kể lại, ngày mồng 6 tháng Giêng hàng năm, ban ban trị sự họp bàn lễ giỗ và vận động con cháu trong làng nghề đúc đồng đóng góp tiền của, vật lực chuẩn bị cho lễ giỗ. Đồng thời, họp bàn chọn ra nam nhân khỏe mạnh làm chánh bái, chọn ra bồi tế, học trò lễ,… Trước ngày diễn ra lễ giỗ, người dân làng đúc đồng đã tập trung dọn vệ sinh, chuẩn bị trống chiêng, nhạc cụ, áo mão, lễ vật cho ngày hôm sau.
Trước khi diễn ra lễ chính, ban trị sự đã bày biện mâm lễ vật và cúng thổ thần đất đai trước. Sau đó rước chiếc chuông cổ của làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều được lưu giữ tại nhà nghệ nhân Dương Nhi, một trong những nghệ nhân cao tuổi nhất của làng. Chiếc chuông này được đúc từ thời Tự Đức 11 (1858). Đúng 9h, vào giờ Tỵ, lễ giỗ tổ Không Lộ Giác Hải thiền sư được chính thức cử hành theo tiếng ngân vang của chiếc chuông cổ và tiếng trống giòn giã trang nghiêm. Ban tế lễ với áo mão chỉnh tề thực hành nghi thức lễ truyền thống. Chánh tế, bồi tế, học trò lễ, ban trống chuông đứng vào vị trí của mình và thực hiện theo lời của chủ xướng. Theo phong tục tế lễ truyền thống làng, các nghi thức tế lễ được thực hiện đầy đủ theo trình tự.

Về làng nghề đúc đồng Phước Kiều, hỏi đến nghệ nhân Dương Ngọc Sang, ai cũng vui vẻ kể rằng đó là bác Chín Sang vừa được Nhà nước trao bằng mừng thọ 80 tuổi. Điều này có nghĩa ông đã gắn liền với nghề đúc đồng Phước Kiều gần 70 năm, khi còn là một cậu bé Sang theo cha học nghề, rồi băng rừng, lội suối lên các vùng cao của Miền Trung và Tây Nguyên để chỉnh sửa âm cho các bộ chiêng và thanh la. Trải qua thời gian, dẫu cho nghề đúc Phước Kiều lắm nỗi thăng trầm, ông Sang vẫn ngày đêm miệt mài với những sản phẩm đồng đúc của làng nghề; lặn lội khắp các miền xuôi ngược để chỉnh âm cho những bộ chiêng, cồng đã lạc tiếng. Ông đã đóng góp công lao to lớn cho sự hưng thịnh của làng nghề đúc đồng Phước Kiều nhờ khả năng cảm thụ âm thanh tuyệt vời của mình. Ông Sang nói: “Lễ giỗ tổ làng đúc đồng Phước Kiều đã được tổ chức hàng trăm năm nay. Đây là dịp để con cháu làng đúc đồng Phước Kiều tề tựu đông đủ, bày tỏ lòng tôn kính đối với ông bà, tổ tiên đặc biệt là ông tổ nghề đúc đồng Phước Kiều. Đồng thời là dịp để nhắc nhở con cháu, thế hệ trẻ về truyền thống của nghề đúc đồng, tạo niềm tin và đam mê với nghề truyền thống này và gìn giữ cho mai sau”.
Sau phần lễ chính là phần hội theo âm nhạc dân gian truyền thống. Bà con làng đúc đồng quay quần bên mâm cổ để tâm sự, trò chuyện, trao đổi về công việc, cuộc sống và đặc biệt là cách làm nào để gìn giữ cho nghề đúc đồng truyền thống Phước Kiều ngày càng phát triển, không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn mang tầm quốc tế. Đặc biệt làm sao để kết nối được với du lịch địa phương, làm sao để bảo hộ thương hiệu đồng Phước Kiều. Theo tạp chí Di sản văn hóa số 21 – 2007: “di sản văn hóa phi vật thể không chỉ gắn bó với các chủ thể văn hóa mà còn hòa quyện vào không gian sinh thái - nhân văn, nơi chúng được sáng tạo ra và đang hiện diện, tiến diễn trong đời sống đương đại của cộng đồng, mang tính lịch sử, đồng thời lại phải mang hơi thở của thời đại mà chủ thể văn hóa cũng như chủ sở hữu di sản văn hóa phi vật thể đang sống, làm việc và sáng tạo; được bảo lưu và chuyển giao qua nhiều thế hệ là cả một quá trình sàng lọc và sáng tạo không ngừng nghỉ. Không những thế mà, còn phải luôn sáng tạo những giá trị văn hóa mới, bổ sung làm cho kho tàng di sản văn hóa của quốc gia cũng như nhân loại ngày càng phong phú và đa dạng hơn”.
Làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều và Lễ giỗ tổ làng đúc đồng Không Lộ Giác Hải thiền sư là những di sản văn hóa phi vật thể  trải qua hơn 400 năm và tồn tại đến ngày nay. Các di sản này được công nhận, bảo tồn và phát huy không những nhằm làm giàu cho kho tàng văn hóa phi vật thể của quốc gia mà còn bảo tồn để thương hiệu đồng Phước Kiều tồn tại mãi như câu ca dao “Trống Lâm yên, Chiêng Phước Kiều”, làm giàu đời sống văn hóa tinh thần của người dân và giữ lửa cho làng nghề truyền thống đúc đồng.

Tác giả: Bích Thủy

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Bản quyền © 2015 thuộc UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam
Cơ quan quản lý: Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Điện Bàn
Địa chỉ: Khối 3, phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam - ĐT: 0235.3867371 – Mail: banbientap.dienban@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)