Vào khoảng năm 1995, tại khu vườn nhà bà Hà Thị Nuôi thuộc thôn 7B (Lai Nghi), phường Điện Nam, thị xã Điện Bàn, nhân dân địa phương đã phát hiện được một số đồ sắt đã bị han rĩ nặng cùng với nhiều mảnh gốm lớn nằm trong lòng đất. Những thông tin ít ỏi đó đã được các nhà khảo cổ học chú ý đến, nhưng vì nhiều lý do, phải đến hơn 6 năm sau di tích mới được nghiên cứu.
Tháng 10 năm 2002, Khoa Sử Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phối hợp với Viện Khảo cổ học chung và so sánh ở Bon thuộc Viện Khảo cổ Đức, trực tiếp là tiến sĩ Andreas Renecker, Bảo tàng Quảng Nam và Bảo tàng Điện Bàn, đã tiến hành cuộc khai quật đầu tiên ở Lai Nghi. Với diện tích khoảng 500m2, mở ba đợt khai quật: Đợt 1 và Đợt 2 (năm 2002 và năm 2003) hiện vật được đưa về Bảo tàng Quảng Nam, đợt 3 từ ngày 13.4.2004 đến ngày 2.5.2004 hiện vật khai quật được để lại tại Bảo tàng Điện Bàn, tổng số: 14.551 đơn vị hiện vật, trong đó có:
-33 Mộ chum và dấu vết 4 mộ đất của người cổ Sa Huỳnh
-193 đồ gốm -3.929 đơn vị đồ trang sức
-25 đồ đồng -32 đồ xương
-10.342 mảnh gốm.
Những hiện vật khai quật được xác định di tích Lai Nghi là một khu mộ chum quan trọng trong hệ thống di tích Sa Huỳnh, nền văn hoá cổ nằm ở giai đoạn Sơ kỳ thời đại đồ sắt ở niềm Trung Việt Nam. Kết quả phân tích phóng xạ cacbon (C14), các nhà khảo cổ cho biết khu mộ chum Lai Nghi có niên đại cách nay 2070 năm +
Trong quá trình khai quật các mộ chum cho thấy, các đồ tuỳ táng người Sa Huỳnh chôn theo người chết có rất nhiều dạng như: đồ tuỳ táng để phía dưới trong mộ chum, để dưới đáy ngoài mộ chum, hoặc mộ chum được lấp đất đến miệng, sau đó để đồ tùng táng bên ngoài rồi lấp kín phần mộ và đồ tùy táng...
Đặc biệt là đồ trang sức phát hiện được ở Lai Nghi rất phong phú, gồm có khuyên tai 3 mấu, khuyên tai hình vành khăn bằng đá, 04 chiếc khuyên tai màu vàng, khoảng 10.000 hạt cườm tấm bằng thuỷ tinh, hàng trăm hạt chuỗi bằng mã não và 122 hạt chuỗi màu vàng và thuỷ tinh dát màu vàng. Có thể nói cho đến nay, chưa có một di tích nào trong hệ thống văn hoá Sa Huỳnh có số lượng đồ trang sức nhiều như khu mộ chum Lai Nghi.
Qua 3 đợt khai quật, có hai di vật làm các nhà nghiên cứu hết sức thán phục, đó là một hạt chuỗi hồng mã não được chạm hình con chim nước (kích thước 1,1cm x 0,9cm), một loại chim quen thuộc đối với các cư dân vùng Đông Nam Á; theo các nhà khảo cổ, trước đây đã tìm thấy một vài hiện vật tương tự ở Thái Lan và Indonesia. Di vật thứ hai là một hạt chuỗi hồng mã não chạm trổ hình con hổ có kích thước tương tượng con chim nước. Cả hai di vật đều có khoan lỗ để xỏ dây; đáng chú ý là mặc dù hai hạt chuỗi có kích thước nhỏ nhưng hình dáng các con vật được thể hiện rất sinh động.
Bên cạnh các công cụ bằng kim loại, đồ trang sức là một tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của xã hội thời sơ kỳ kim khí. Thông thường, trong các khu mộ chum đã khai quật, tỷ lệ các mộ chum chỉ chôn theo những đồ dùng bằng gốm nhiều hơn các mộ chum có chôn theo đồ dùng bằng kim loại như sắt, đồng, nhất là đồ trang sức. Các nhà khảo cổ căn cứ vào số lượng các đồ trang sức và công cụ bằng kim loại phát hiện được trong một mộ táng để xác định địa vị xã hội của người chết, từ đó các nhà nghiên cứu cho rằng trong xã hội Sa Huỳnh đã có sự phân hoá giàu nghèo, đã xuất hiện tầng lớp thống trị chi phối mọi hoạt động của cộng đồng.
Với khối lượng lớn đồ tuỳ táng đã được phát hiện tại Lai Nghi, có thể thấy đây là một khu mộ chum rất quan trọng trong hệ thống các di tích mộ chum Sa Huỳnh vùng hạ lưu sông Thu Bồn, chủ nhân của khu mộ chum Lai Nghi là những người có địa vị cao trong xã hội Sa Huỳnh thời bấy giờ...
Riêng về mộ chum ở Điện Bàn, khi khai quật còn rất ít mộ chum còn nguyên, nên hình dáng khó xác định.
Cùng với văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh là một trung tâm văn minh rực rỡ thời kỳ đầu dựng nước. Sự giao thoa, hòa trộn các yếu tố văn hóa vừa đa dạng vừa thống nhất đã tạo nên sự độc đáo của văn hóa Sa Huỳnh Điện Bàn mà chúng ta cần tiếp tục khám phá và nghiên cứu.